Mùa hoa tam giác mạch bắt đầu vào khoảng tháng 10 và kết thúc vào cuối tháng 4 hàng năm.
Vì là thứ “đặc sản” của vùng núi Tây Bắc nên hàng năm, người ta còn tổ chức hẳn một lễ hội hoa tam giác mạch để tôn vinh các giá trị di sản văn hóa cũng như quảng bá chương trình, văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số ở Tây Bắc đến du khách ở trong và ngoài nước.
Lễ hội hoa tam giác mạch được tổ chức đúng vào mùa hoa, tức là vào khoảng đầu tháng 10 đến cuối tháng , địa điểm tổ chức là ở 4 huyện vùng cao nguyên đá tỉnh Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc) và thành phố Hà Giang.
Vào mùa hoa tam giác mạch, có lẽ đi đến bất cứ đâu ở Tây Bắc, cũng có thể bắt gặp những bông hoa tam giác mạch li ti màu trắng hay tím hồng nở e ấp bên những khe đá, trên ruộng bậc thang hay thậm chí ngay ở hai bên đường đi.
Nhưng nếu muốn ngắm hoa đẹp nhất, bạn phải tìm đến những cánh đồng hoa tam giác mạch ở Hà Giang, mà cụ thể hơn nữa là ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Lũng Táo, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú.
Nhiều người chỉ biết đến cây tam giác mạch qua những cánh đồng hoa đẹp lung linh rực rỡ, nhưng thực ra ngoài mang đến những sắc màu xinh đẹp tô thắm cho những vùng đất rẻo cao Tây Bắc, cây tam giác mạch còn được sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau nữa.
Cây non được sử dụng làm rau
Trước khi trổ những bông hoa xinh đẹp thường thấy, cây tam giác mạch non thường được người dân hái về và sử dụng như một loại rau thực phẩm. Rau tam giác mạch có vị hơi ngai ngái, nhưng ăn xong thì lại ngọt và thơm. Ai đã ăn thử một lần chắc chắn sẽ nhớ mãi hương vị của loại rau đặc biệt này.
Thân và lá tam giác mạch được sử dụng làm thuốc
Thân và lá tam giác mạch nếu được sắc lên sẽ trở thành vị thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa như đi ngoài, đầy bụng, viêm, đau dạ dày, táo bón âm… cực kì hiệu quả.
Ngoài ra, nó còn có tác dụng hạ huyết áp, hạ mỡ máu và đường máu nhờ có thành phần xenlulo cao và nhiều chất dược tính khác.
Hạt được sử dụng làm thực phẩm
Phổ biến nhất là món bánh tam giác mạch. Bánh có bề ngoài giống chiếc bánh giày cỡ lớn của người miền xuôi nhưng lại mang màu nâu đặc trưng của hạt tam giác mạch. Khi ăn, bánh có vị ngọt đậm đà, dẻo và bùi cùng mùi thơm khá đặc biệt.
Ngoài làm bánh, hạt tam giác mạch còn được xay ra để nấu cháo. Vào những ngày đông giá lạnh, một bát cháo tam giác mạch thơm ngon nóng hổi sẽ khiến chiếc dạ dày được vỗ về ấm áp.
Còn một cách chế biến khá độc đáo nữa đó là rang ngay hạt tam giác mạch trên bếp lửa hồng rồi thưởng thức, giống như cách thưởng thức hạt đỗ tương rang vậy. Cách ăn này rất được các bạn trẻ yêu thích vì vừa có thể ngồi tám chuyện với bạn bè lại vừa có đồ ăn để nhấm nháp khá thú vị.
Hạt dùng để nấu rượu
Bạn đã nghe đến món rượu tam giác mạch bao giờ chưa? Nếu chưa thì quả là tiếc, bởi vì đây đích thực là một loại rượu quý, vô cùng thơm ngon của người Tây Bắc.
Rượu tam giác mạch không phải được nấu hoàn toàn từ hạt tam giác mạch mà còn được trộn với ngô theo tỉ lệ 1:2, sau đó người ta sẽ mang hai loại hạt này đi ủ với một loại men đặc biệt rồi đem nấu để cho ra loại rượu tam giác mạch thơm ngon này.
Rượu tam giác mạch uống rất êm, không cay nồng như rượu gạo, không ngọt và êm như rượu cần mà nó là sự hòa trộn hương vị giữa hai loại rượu ấy, khiến người uống chỉ muốn ngây ngất trong men rượu mãi không thôi.
Làm đẹp
Cách làm đẹp cũng rất đơn giản, chỉ cần xay mịn hạt, trộn với sữa chua hay sữa tươi không đường thành một hỗn hợp sền sệt, sau đó bôi một lớp mỏng lên mặt trong khoảng 15 phút và rửa sạch, làn da sẽ trắng sáng và mịn màng lên trông thấy nếu sử dụng thường xuyên.
Chỉ là một loài hoa nhỏ xíu, xinh xinh nhưng hoa tam giác mạch lại chứa trong mình rất nhiều điều thú vị. Bởi vậy, nếu có thời gian, đừng quên ghé thăm và đến với Hà Giang để mang về cho mình những trải nghiệm tuyệt vời cùng hoa tam giác mạch.
Tổng hợp