NGÔI TRƯỜNG VÙNG BIÊN

Năm 2010, lần đầu tiên đặt chân lên Hà Giang, tất cả mọi thứ đều ngỡ ngàng, bỡ ngỡ với tôi. Trong tâm trí “chuẩn bị” trước chuyến đi của tôi, vùng cao Hà Giang là cái gì đó xa xôi cách trở; Hà Giang là cái gì đó đói nghèo; là thuốc phiện; là thổ phỉ,…
Ngôi trường tôi ghé thăm đầu tiên là trường tiểu học Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang. Mảnh đất gắn liền với nạn phỉ Mỏ Phàng nhức nhối đến tận những năm ’80 của thế kỷ trước. Mảnh đất miền biên viễn xa xôi, là rốn gió của huyện Mèo Vạc, ngay chính người vùng cao còn rùng mình: ” ruồi vàng bọ chó, gió Thượng Phùng ! “
Đọc đến đây, mời bạn ghé mắt nhìn xuống tấm hình đầu tiên tôi đăng kèm bài viết này. Cả “ngành giáo dục” Thượng Phùng được bao trọn trong tấm hình này.
Điểm trường thôn Giàng Sán là 1 trong 12 điểm trường của xã được phân công cho thầy Khôi – cô Hằng đảm trách. Tôi ngồi ở hiên lớp học, nói chuyện với thầy cô và nhìn về phía xa xa. Đúng là cả ngành giáo dục xã nhà nằm trọn trước mặt. Khu nhà cao tầng gần bên kia quả núi là khu trường cấp 2, xa xa cuối tầm mắt là khu trường tiểu học và mầm non cạnh nhau. Còn tôi ngồi đây là đại diện cho các điểm trường. Điểm trường nằm cheo leo đầu mỏm của một ngọn núi, bên cạnh điểm trường lưa thưa có 3-4 hộ dân người Mông sinh sống. Lớp của thầy Khôi năm nay có 8 học sinh, các em nhà đều quanh lớp học. Sáng các cháu đến lớp, bố mẹ chuẩn bị mang theo cả bữa trưa. Ăn trưa xong, các cháu tự chơi cạnh lớp. Hơn 4h tan học, bọn trẻ lại lững thững đi bộ cùng nhau về nhà. Chiều buông, học sinh đã về hết, thầy Khôi ngồi nghỉ uống nước bên hiên lớp mắt đượm buồn. Bây giờ có internet rồi còn đỡ anh ạ, chứ hơn 10 năm trước em cắm bản ở đây buồn lắm, chiều tan học cứ ra ngồi đầu ngõ lối vào lớp để ngóng xem có ai đi ngang qua để mình còn hỏi, để còn nói chuyện. Trường chính nhìn gần thế thôi anh, chứ đi cũng gần 10km đấy, trời mưa hay sương mù đường trơn thì chỉ có cách đi bộ. Bố trí thầy cô cắm bản ở vùng cao cũng có quy tắc bất thành văn, hoá ra thầy Khôi với cô Hằng là một gia đình, cô đảm trách lớp mầm non, còn thầy dạy cấp 1. Thầy cô thì ngày đêm năm tháng cắm bản gieo chữ trồng người, trong khi đó con của thầy cô phải gửi ông bà để học dưới xuôi. Một năm thầy cô gặp con vào 2 dịp Tết và hè !
Tôi quay đi, mắt cay xè. Một luồng gió lạnh thổi từ dưới sông Nho Quế lên làm mặt tôi tỉnh lại. Nhấp một ngụm trà nóng, tôi lại tiếp tục câu chuyện cuộc sống với thầy Khôi.
Đâu đó, dưới xuôi, dòng người vẫn tấp nập, cuộc sống cứ sôi động hối hả, xã hội đất nước bình yên. Có ai nhớ, có ai biết ở vùng biên viễn xa xôi trải dọc đất nước này, có đến hàng trăm, hàng nghìn thầy Khôi – cô Hằng đang ngày đêm âm thầm cắm bản để gọt dũa, trui rèn “các cột mốc sống” tương lai. Cương thổ quốc gia được bình yên, vững chắc mãi tới mai sau chắc chắn có phần đóng góp nhỏ của “những thầy giáo Khôi”, “những cô giáo Hằng”. Chúng ta nợ thầy Khôi – cô Hằng một lời cảm ơn !
Ngồi ở hiên lớp học nhìn ra hướng cây mận, ngọn núi gần bên kia chính là trường cấp 2. Còn khu nhà xa tận cuối ảnh chính là trường cấp 1 và mầm non.
Những năm đầu cắm bản, cuối chiều khi tan học, thầy Khôi lại ra đứng trước gốc mận, nơi đó có con đường nhỏ chạy qua, chỉ để ngóng ai đó đi ngang qua để hỏi lấy một câu chuyện cho đỡ buồn, cho đỡ nhớ nhà !
Từ ngã 3 Xín Cái đi vào một đoạn, trường Thượng Phùng hiện ra trước mặt. Trường nằm cheo leo trên mỏm núi, dưới là vực sâu. Nom cảnh sắc thật hùng vĩ, như một tác phẩm hòn non bộ ngoài đời thực
Đây là những “cột mốc sống” tương lai của vùng đất biên ải Thượng Phùng này. Các em đang phấn khởi vui mừng, vì chỉ còn thời gian ngắn nữa thôi, sau lưng các em là dãy nhà lưu trú 4 phòng với đầy đủ giường tầng, chăn len đệm xốp. Các em sẽ có điều kiện ăn ở học hành tốt hơn, sau ra đời lao động xây dựng quê hương. “Cột mốc sống có tri thức” sẽ làm cho biên cương vững bền hơn, cương thổ quốc gia được gìn giữ tốt hơn.
Đứng để chụp được tấm hình này, chúng tôi thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Phía mỏm núi gần trước mặt, có vệt sáng, có con đường mà đoạn cuối có nếp nhà mái đỏ, đấy chính là lớp học của thầy Khôi cô Hằng. Phía xa xa kia chính là Mã Pì Lèng đấy, vách đá trắng trên đỉnh Mã Pì Lèng cũng nhìn rõ trong tấm hình này.
Theo Nguyên Đức Vương

Các bài viết khác