Khắc nghiệt

Tại sao Hà Giang? Một nơi mà mình vẫn hay gọi là “đầy khắc nghiệt.” Từ cái lạnh cắt da cắt thịt, đất đá khô cằn, cho đến thiếu nước triền miên. Nhưng chính những điều ấy lại giữ mình ở lại, giúp mình cảm thấy sự gắn bó với nơi này.
Nếu 6-7 năm trước, có ai bảo rằng mình sẽ sống ở Hà Giang, chắc mình sẽ cười vì mảnh đất này chưa từng nằm trong kế hoạch. Nó vượt qua mọi trải nghiệm của mình trước đây. Khi viết những dòng này, nhiệt độ ngoài trời đang là 3 độ C, vừa sau 2 ngày nhiệt độ thấp nhất trong năm, có lúc nhiệt độ xuống -2 độ, có băng ở trên núi cao, và đầy trên những yên xe máy cửa kính ô tô nếu để ngoài trời.
Hà Giang lạnh – cái lạnh đối với mình là không giống bất kỳ nơi nào khác. Mình từng trải qua những đêm đông, sau một đêm, băng phủ trắng cả rừng. Cái lạnh vùng cao không chỉ buốt mà còn ẩm, khiến du khách đến đây nhiều khi phải ngao ngán, dù họ đã quen với thời tiết âm nhiều độ ở quê nhà. Ấy vậy, mà ở trên này, mùa đông lạnh cỡ mấy, cũng chỉ có cái bếp lửa là cứu tinh trong những ngày buốt giá, những con bò con dê còn được đốt một đống củi bên cạnh để sưởi kẻo sợ chết mất.
Ở Hà Giang, cái lạnh còn đi cùng sự khô cằn, thiếu nước. Hồi mới mở Chuyện Vùng Cao, mình từng trải qua cảm giác nhà mất nước cả tuần. Đi trên đường, hình ảnh những cụ già gùi từng can nước từ chân núi lên, đi cả mấy cây số gùi nước đôi khi chỉ để đủ dùng cho một ngày – mãi là điều khiến mình ám ảnh. Những gì trước đây mình coi là bình thường, ở đây lại trở thành điều xa xỉ.
Giờ, mỗi khi lang thang qua các bản làng, nhìn thấy những hồ treo đầy nước hay những cơn mưa đầu mùa, mình đều cảm nhận rõ niềm hạnh phúc nhỏ bé ấy. Hà Giang dạy mình cách trân trọng những điều giản dị nhất.
Khắc nghiệt ở Hà Giang không chỉ ở khí hậu, mà còn ở văn hóa. Lúc mới lên, mình từng rất mâu thuẫn với các phong tục trên này, nào thì cúng kiếng, ma chay cưới hỏi, ma tươi ma khô, kiêng kị đủ điều,…. Một lần, có bạn nhân viên xin nghỉ đột ngột vì phải lo việc họ hàng. Mình trách móc, nghĩ bạn thiếu trách nhiệm, rồi mâu thuẫn mất một thời gian. Nhưng sau này, mình hiểu rằng, ở đây, gia đình và cộng đồng luôn được đặt lên trên hết – công việc – không phải là tất cả.
Sống giữa khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề, họ phải biết cách nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau, khi mà những bản làng cách những con đường chính rất xa. Mỗi phong tục, mỗi tập quán đều bắt nguồn từ triết lý sống rất thực tế, không hẳn là mê tín hay lạc hậu như nhiều người lầm tưởng. Mỗi dân tộc có một tín ngưỡng, tư tưởng riêng. Hiểu được điều đó, mình học cách tôn trọng lối sống của họ, học cách sống chậm lại, để tìm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Có nhiều người lên Hà Giang vì yêu qua những hình ảnh đẹp đẽ hay xúc cảm bất chợt từ một chuyến đi chơi. Nhưng sống và làm việc ở đây là một câu chuyện khác. Bạn mình từng nói: “Nếu không vững vàng, Hà Giang sẽ đưa bạn rời đi.” Mình cũng từng chật vật suốt 2 năm đầu, tìm kiếm lý do để ở lại, đôi lần nghĩ đến việc quay về Sài Gòn, nơi cơ hội nhiều hơn. Nhưng cuối cùng, chính sự khắc nghiệt ấy lại là thứ níu giữ mình. Hà Giang – không dành cho những người dễ bỏ cuộc.
Hà Giang là nơi thử thách mọi cảm xúc, ý chí và sự kiên nhẫn của mình. Nhưng khi vượt qua rồi, mình cảm thấy những gì hiện tại thật xứng đáng. Đó là những bài học từ thiên nhiên, văn hóa và con người, là cảm giác bình yên khi tìm thấy giá trị trong sự thiếu thốn.
Mảnh đất này đã rèn giũa mình, từ một người xa lạ, thành một người yêu và gắn bó với nó. Hà Giang không dành cho những người dễ bỏ cuộc, nhưng nếu ở lại, nơi đây sẽ cho bạn cảm giác của một ngôi nhà – nơi sự khắc nghiệt trở thành nguồn cảm hứng để sống trọn vẹn hơn. Và sau cùng, những gì đẹp đẽ nhất luôn nằm ở cuối hành trình.
Nguồn Kinh Hoàng

Các bài viết khác