Vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ trên Cao nguyên đá Đồng Văn

TPO – Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Tháng 9, Cao nguyên đá Đồng Văn tiếp tục được Hội đồng mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO tái công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ ba.

 

Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ ba được UBND tỉnh Hà Giang tổ chức long trọng tại Quảng trường Thanh Niên (huyện Đồng Văn) vào tối 28/10.

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) có độ cao từ 1.100-1.600m so với mực nước biển và nằm trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Quốc lộ 4C – còn gọi là Con đường Hạnh Phúc như một sợi chỉ nhỏ, chênh vênh qua những dãy núi hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn. Đường có chiều dài 185 km, điểm đầu từ thành phố Hà Giang đi qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Khu tưởng niệm thanh niên xung phong (TNXP) trên đèo Mã Pí Lèng (Quốc lộ 4C) khánh thành vào năm 2015. Để mở đường vào cao nguyên đá, hơn 1.300 thanh niên xung phong đến từ 8 tỉnh miền Bắc cùng gần 1.000 đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá, ròng rã hơn 2.100 ngày đêm phá núi mở đường với 2 triệu ngày công, di chuyển trên 3 triệu m3 đá. Khi tuyến đường được khai thông vào năm 1965 đã có 14 thanh niên xung phong hy sinh.

Hẻm Tu Sản, hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á, có chiều cao vách đá lên tới 800 m, chiều dài 1,7 km, sâu gần 1 km. Hẻm nằm dưới chân đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), phía dưới là dòng sông Nho Quế. Năm 2009, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực này là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam.

Hoa tam giác mạch, loài hoa biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, sự kiên cường của các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Lễ hội hoa tam giác mạch lần đầu tiên được tỉnh Hà Giang tổ chức vào năm 2015, đến nay đã bước sang năm thứ 9 tổ chức, quy mô, số diện tích trồng ngày càng mở rộng, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm, chụp ảnh check-in.

Sau hơn 13 năm được UNESCO công nhận, Cao nguyên đá Đồng Văn đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là sự gia tăng các cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản gắn với phát triển du lịch bền vững.

Trải qua 14 năm xây dựng và phát triển, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn giữ vững danh hiệu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang. Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được Đảng bộ tỉnh và các cấp chính quyền quan tâm.

Cũng nhờ đó, ngày nay Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan và trải nghiệp, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương, mở ra hướng đi bền vững trong công tác giảm nghèo. Các dân tộc tự tin hơn, mạnh dạn hơn, yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình, đặc biệt là tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, yên tâm học tập, lao động, sản xuất phát triển kinh tế xây dựng quê hương đất nước.

Trường Hùng – Báo Tiền Phong

Các bài viết khác